Xây dựng kế hoạch kinh doanh thực tiễn cho Startup - Phần 1
06 tháng 9
Published
06 tháng 10
WeeklyStudy - Tôi có người bạn làm cho một công ty truyền thông, chẳng biết không may ăn ở thế nào nên năm nay phải cưới vợ. Nhìn hắn chạy đôn chạy đáo đến tội nghiệp, nào đi đặt tiệc, nào in thiệp, nào lên lịch chụp hình cưới – mà chụp gần không chịu, đi tận Côn Đảo chụp (chắc có dụng ý gì), xong rồi “đú đởn” không thích đám cưới giống người khác, thế là phải xây dựng kịch bản cho chương trình đêm tiệc… ôi thôi không biết bao nhiêu là việc. Rồi hôm rồi đi uống cà phê với người bạn, nói chuyện chưa được dăm ba câu thì hắn rủ đi mua… mỹ phẩm!!! Hỏi mua làm gì thì nó bảo mua để tặng cô bạn đang muốn nâng cấp lên thành người yêu, chẳng hiểu sao thấy thằng bên trên chết rồi mà thằng này vẫn lao đầu theo???
Nhưng vấn đề ở đây tôi không muốn bàn sâu đến những việc dại dột ấy, mà tôi muốn nêu bật cái sự quan trọng của việc lên kế hoạch. Mọi người thấy rõ là đến cả những việc vớ vẩn như lấy vợ hay hẹn hò nhăng nhít với phụ nữ mà người ta còn phải lên kế hoạch thì tôi thật không hiểu vì sao vẫn có một số người hăng hái xách tiền lập công ty TNHH nhưng khi tôi hỏi thế kế hoạch kinh doanh thế nào thì vô tư bảo “làm thủ tục xong rồi mấy anh em sẽ họp lại với nhau để bàn”, hoặc khi hỏi định vị khách hàng ra sao thì bảo “tất cả phụ nữ”, hoặc hôm nào may mắn đẹp trời thì có người “phụ nữ văn phòng có thu nhập ổn định” (vẫn còn rất chung chung). Chả trách vì sao mà số lượng công ty đăng “cáo phó” giải thể công ty cũng đông không kém số lượng đăng “cáo phó” thành lập công ty.
Hôm nay sáng cuối tuần đẹp trời, tôi xách laptop vô một ngôi chùa rất mát ở quận 9 – nơi này ngày xưa tôi thường hay đạp xe đến để học bài thi. Cảnh chùa thanh tịnh, tâm hồn chùng xuống làm tôi thấy thương xót cho những kẻ bên trên, những kẻ cưới vợ và cả những kẻ lập công ty không có kế hoạch kinh doanh. Nên quyết định lấy laptop ra viết bài này, chia sẻ đôi chút kinh nghiệm về cơ bản của một kế hoạch kinh doanh. Hy vọng giúp ích được chi đó cho nước nhà giảm thiểu số lượng “cáo phó” giải thể công ty trên báo.
—
Bài này tôi viết tập trung nói về việc xây dựng một kế hoạch kinh doanh cơ bản nhất, không phải là xây dựng một doanh nghiệp hoành tráng, với những trường hợp cần hoành tráng thì tốt nhất lên tìm một bạn CEO tốt nghiệp MBA ở Tây Tàu gì đó (hay Việt Nam cũng được, nhưng nơi nào học phí cao cao tí), thuê về để các bạn ấy làm, chúng ta làm chủ đầu tư đi đánh “gốp” cho sướng thân.
Kế hoạch kinh doanh nôm na giống như bản hiến pháp của một nước, nó quy định khái quát nhưng rõ ràng, cụ thể hướng đi của doanh nghiệp. Mọi cái kế hoạch sau này đều sẽ dựa trên cái kim chỉ nan này mà phát triển ra. Vì là cơ bản nên tôi chia KHKD ra làm 2 loại, lại đầu là dành cho những bạn có ý tưởng về một sản phẩm hay ho nào đó, nhưng không đủ tiền để làm, cần có nhà đầu tư, kế hoạch này đòi hỏi phải chứng minh thêm cái phần về năng lực của đội ngũ quản trị, chia sẻ lợi nhuận và những phương án rút vốn đầu tư… Loại 2 là loại dành cho những người muốn tự mình làm, không cần xin xỏ ai, có bao nhiêu xài bấy nhiêu. KHKD loại này có thể rút tỉa bớt những phần bên trên, tất nhiên nếu có điều kiện thì nên làm đầy đủ, đừng tỉa. Trong bài này tôi nói trước về loại kế hoạch đã tỉa bớt, nếu thấy mọi người hứng thú muốn viết cho đủ luôn thì tôi sẽ viết tiếp những phần sau.
Khung sườn
Làm gì cũng vậy, chúng ta cần cái khung sườn, rồi từ đó triển khai rộng ra, chi tiết dần. Làm như vầy sẽ giúp chúng ta không bị lạc hướng và bao quát được đầy đủ nhiều mặt của vấn đề. Về cơ bản, một kế hoạch kinh doanh cần có những phần sau:
- Giới thiệu tổng quát.
- Phân tích thị trường.
- Sản phẩm/dịch vụ cung cấp.
- Định vị khách hàng.
- Phân tích đối thủ.
- Chiến lược Sales/Marketing.
- Chiến lược giá.
- Nguồn nhân lực.
- Kế hoạch tài chính.
- Phân tích rủi ro.
- Kế hoạch triển khai.
Bài này tôi phân tích khái quát mục đích từng phần về từng phần, trong những bài sau tôi sẽ nói chi tiết hơn từng cái.
1. Giới thiệu tổng quát: phần này để giúp người đọc có cái nhìn tổng quát về toàn bộ kế hoạch kinh doanh.
2. Phân tích thị trường: thị trường là ở đâu, đang cần gì, tiềm năng của thị trường thế nào, vì sao chúng ta cho rằng đó là một thị trường có thể mang lại lợi nhuận.
3. Sản phẩm/dịch vụ: chi tiết về những gì chúng ta đưa cho khách hàng, cấu tạo sản phẩm thế nào, làm thế nào để chế tạo, có điểm độc đáo gì…
4. Định vị khách hàng: cái này khá quan trọng, khách hàng là ai, mối quan tâm của họ thế nào, thu nhập ra sao, vì sao họ lại là khách hàng mục tiêu…
5. Phân tích đối thủ: hên thì chúng ta chui vô cái đại dương xanh, nhưng giờ mấy cái đó hơi bị hiếm, nên rủi chui vào đại dương đỏ thì đối thủ chính là ai, vì sao họ lại thành công, điểm yếu là gì, đối thủ gián tiếp là gì…
6. Chiến lược sales và marketing: cái này chắc không phải giải thích rồi, tôi sẽ nói chi tiết hơn khi phân tích tới phần này.
7. Chiến lược giá: một trong 4 cái P, cách định giá thế nào, vì sao định giá như vậy, giá sẽ được thay đổi ra sao, trong tình huống nào…
8. Nguồn nhân lực: không ai làm việc gì một mình cả, nên phải tính tới việc cần những ai, tìm người ở đâu, đào tạo người thế nào, chính sách với người thế nào để người không bỏ ta…
9. Kế hoạch tài chính: tiền, tiền tiền! Xài tiền thế nào, mượn tiền ở đâu,… đại khái là kiếm tiền thế nào và dùng tiền ra sao.
10. Phân tích rủi ro: không ai làm gì mà không có rủi ro cả, phân tích cái này càng kỹ thì càng giúp ta dễ dàng tránh được mấy cái rủi ro này, hoặc ít nhất cũng giúp ta đỡ bị… shock
11. Kế hoạch triển khai: đại khái là khi nào thì làm cái nào, sẽ đạt được cái nào…
Như đã nói, đây là kế hoạch viết chủ yếu tập trung dùng cho trường hợp tự có vốn đầu tư, kế hoạch dùng để đi dụ kêu gọi nhà đầu tư góp vốn sẽ được viết sau nếu người đọc hứng thú. Kế hoạch của tôi là sẽ phân tích khái quát 11 điểm trên, tuy nhiên nói gì thì nói, cho đến nay tôi vẫn đi làm mọi cho tư bản, vẫn chưa dám dũng cảm nộp đơn xin nghỉ việc để xách tiền đi đầu tư làm riêng. Do đó hy vọng sẽ nhận được sự đóng góp của bạn bè gần xa.
Một lần nữa cũng xin phép nhắc lại, vì tôi làm cho tư bản nên dùng tiếng tư bản là đa số, và những dự án mà tôi lập cho tư bản cũng viết bằng tiếng tư bản. Nên trong một số trường hợp tôi sẽ dùng từ tiếng Anh, không dịch ra tiếng Việt vì đôi khi dịch ra rất buồn cười hoặc không dịch được. Và như tinh thần từ đầu, tôi sẽ viết theo kiểu phong cách tưng tửng, hy vọng không gây khó chịu cho người đọc nghiêm túc.
Nguồn: Ngochieu.com